Thanh Lịch Fresno sưu tầm
“Lời nói dối chân thật” của người chồng “tàn nhẫn nhất thế giới”
Câu chuyện mà mình vô tình đọc được... nó ám ảnh mình suốt mấy ngày nay... một câu chuyện......
Những gia đình hạnh phúc trên đời đều gần giống như nhau, nhưng mỗi gia đình bất hạnh lại có một nỗi đau riêng. Mùa xuân năm 2007, giống như khi chiếc hộp Pandora bị mở ra, bất hạnh nối nhau ập đến một gia đình hạnh phúc: người vợ bị phát hiện ung thư, người con trai duy nhất bị chứng trầm uất, treo cổ tự tử. Trong suốt hơn 1000 ngày sau đó, người đàn ông đã phải giấu kín nỗi đau, dùng chiếc điện thoại con trai để lại để tạo ra một “lời nói dối chân thật” đầy nước mắt…
“Con trai, sao nỡ đối xử như vậy với bố mẹ!”
Đó đã từng là một gia đình hạnh phúc và đầm ấm. Người chồng là Nguyên Học Quân, kĩ sư cao cấp của Phòng nghiên cứu vật lí và toán học Vũ Hán, thuộc Viện Khoa học Trung Quốc; vợ là Trịnh Tĩnh Hiệp, bác sĩ Học viện thể dục thể thao Vũ Hán. Người con trai Nguyên Dã, học cao học ở đại học Thiên Tân.
Mùa xuân năm 2007, cha con Nguyên Học Quân trải qua những ngày căng thẳng: sức khỏe của người vợ Trịnh Tĩnh Hiệp đang ngày một xấu đi, cả nhà lòng như lửa đốt chờ kết quả xét nghiệm cuối cùng. Lúc ấy, người con trai 26 tuổi Nguyên Dã đang học thạc sĩ ở đại học Thiên Tân. Luận văn tốt nghiệp không thuận lợi cộng với khó khăn trong xin việc đã khiến chàng thanh niên bản tính hướng nội ấy ngày càng trở nên lặng lẽ, cả ngày không nói một câu, ít ra ngoài, càng ít qua lại với mọi người.
Không lâu sau, kết quả chẩn đoán của bệnh viện đã khiến cả nhà bàng hoàng: người vợ đã mắc bệnh ung thư dạ dày giai đoạn 2, hơn nữa tế bào ung thư đã di căn, cần nhanh chóng làm trị liệu. Nguyên Học Quân bắt đầu gác lại công việc để toàn tâm toàn ý chăm sóc vợ. Nhưng điều anh không thể ngờ được là, trong khi mải chăm lo cho vợ, anh đã không nhận thấy người con trai duy nhất, không chịu nổi áp lực tinh thần quá lớn, đã mắc phải chứng trầm uất nặng.
Chiều 26 tháng 3 năm 2007, vừa mở cửa, anh rụng rời nhìn thấy con trai treo cổ ngay trong phòng khách. “Con ơi, sao con nỡ đối xử như vậy với bố mẹ!...”
Lòng đau như dao cắt, nhưng Nguyên Học Quân vẫn kịp nghĩ, con trai là điểm tựa tinh thần lớn nhất của vợ anh lúc này. Cú sốc mất con là quá lớn đối với người phụ nữ đang lâm bệnh nặng, có thể sẽ khiến chị mất hết ý chí sinh tồn, và mọi nỗ lực điều trị sẽ trở thành vô nghĩa. Anh quyết định giấu vợ về cái chết của con trai, và dặn tất cả họ hàng giữ kín chuyện này.
“Mẹ, con ở Thiên Tân ổn cả…”
Giữ bí mật với người vợ đang nằm viện, Nguyên Học Quân lặng lẽ lo việc hậu sự cho con. Sau khi hỏa táng, anh đem tro cốt của con gửi lại nhà tang lễ. Trở lại phòng bệnh của vợ, cố nén nỗi đau, anh nói dối là Nguyên Dã có việc đột xuất phải trở lại Thiên Tân, hoàn thành luận văn tốt nghiệp và ở đó xin việc luôn. Anh còn dặn vợ: “Tâm trạng con không được tốt, chịu áp lực lớn, không nên làm phiền con quá nhiều, nếu rảnh rỗi tự nó sẽ nhắn về”. Vợ chồng Học Quân vốn dạy con rất nghiêm, mặc dù gia đình cũng khá giả, nhưng đều dặn Nguyên Dã tiết kiệm, những chuyện có thể nhắn tin thì không cần gọi điện. Chính vì vậy, sau khi lo hậu sự cho Nguyên Dã, anh giữ lại chiếc điện thoại của con và gửi đến vợ những tin nhắn đầu tiên: “Mẹ, con ở Thiên Tân ổn cả…”
Từ đó trở đi, Nguyên Học Quân sống trong lừa dối. Chiếc điện thoại của con trai trở thành vật khiến anh phải quan tâm, thận trọng hơn hết, khi đi làm, đi công tác, anh đều mang theo; trước khi bước vào nhà phải cài chế độ im lặng, để ở nơi kín đáo nhất, xóa ngay mọi tin nhắn đi và đến. Trước nay, Trịnh Tĩnh Hiệp luôn một mực tin tưởng người chồng trung hậu thẳng thắn, nhưng Học Quân không vì thế mà dám khinh suất. Sau khi con mất một thời gian, anh nhờ người thân ở Thiên Tân đóng gói đồ đạc của con trai ở trường gửi về nhà, nói dối là con đã tốt nghiệp, và báo tin vui: Con trai đã tìm được một công việc rất tốt ở Đại học Thương mại Thiên Tân.
Ngày lại ngày, nhờ rất quen với lịch trình của các trường đại học, Nguyên Học Quân dựa theo từng giai đoạn, từng mùa mà soạn “kịch bản” cho những tin nhắn. Còn người vợ thì đợi chờ từng tin, để biết con trai đã bắt đầu đi làm, đã được vào chính thức, đã được tăng lương, chuẩn bị học lên tiến sĩ, có người yêu rồi, bị thất tình rồi… Một lần, vì quá nhớ con, Trịnh Tĩnh Hiệp gọi điện cho con. Học Quân lập tức soạn tin nói con đang bận lên lớp, sẽ nhắn lại sau. Gần tết năm 2008, Học Quân lại tìm lí do, nói con trai muốn tập trung làm luận án nên sẽ không về nhà ăn tết, cũng không có thời gian liên hệ về nhiều. Tĩnh Hiệp nhắn tin trả lời: “Mẹ hiểu”, không nghi ngờ gì về nội dung tin nhắn.
Nhiều lần, Học Quân khuyên nhủ vợ: “Con trai không muốn gọi điện hẳn là có cách nghĩ riêng của nó, bọn thanh niên bây giờ chịu áp lực rất lớn, rồi sẽ có ngày nó hiểu được, bây giờ, mình cứ yên tâm điều trị đi đã…”
“Tôi sẽ đưa mình đi khắp các tiệm ăn ngon ở Vũ Hán”
Với sự chăm sóc tận tâm của chồng, đã có một giai đoạn, bệnh tình của Tĩnh Hiệp được khống chế, chị tràn ngập niềm tin vào cuộc sống. Chị đã quen với việc nhận tin nhắn của con, cũng như với việc trao đổi qua tin nhắn. Chị còn cho rằng, đối với người con trai tính cách hướng nội của mình, đây còn là một cách rất hay để trò chuyện và hiểu con nhiều hơn. Tết năm 2009, chị cũng không gọi điện cho con, bởi chị vừa nhận được tin vui: Nguyên Dã đã yêu một đồng nghiệp họ Lí, cô gái đó rất xinh đẹp, tốt bụng, có cha làm ở Sở công an Thiên Tân…
Học Quân tự nhận mình suốt nhiều năm bận công việc, ít quan tâm đến vợ. Người vợ hiền hậu, giỏi nội trợ, nổi tiếng nấu ăn ngon, sở thích lớn nhất của chị là thưởng thức các món ăn. Mặc dù việc chữa bệnh đã tiêu gần hết số tiền tiết kiệm, nhưng nhìn người vợ ngày một gầy mòn, Học Quân muốn tranh thủ những ngày tháng còn lại của vợ để cho chị được hưởng hết những điều tốt đẹp, nếm hết những món ngon ở những hiệu ăn nổi tiếng nhất. Một lần, tình cờ anh phát hiện trên tạp chí Đại Vũ Hán mỗi kì lại giới thiệu một món ngon tiêu biểu của các nhà hàng; tạp chí này sau đó trở thành “bản đồ ẩm thực” của vợ chồng anh mỗi khi nhàn rỗi. Cứ đến cuối tuần, người đàn ông gần 60 tuổi Nguyên Học Quân lại lái xe máy chở vợ đi khắp nơi. Điểm đến thường xuyên của vợ chồng anh là quán Chuyện cũ Hán thành ở đường Đài Bắc, nơi có món cá vợ anh thích ăn và món hải sâm xào hành rất tốt cho bệnh dạ dày.
“Mình phải kiên trì, đến Tết con sẽ về…”
Kiên trì điều trị suốt 3 năm trời, nhưng vẫn không chống lại được căn bệnh tai ác. Đầu năm 2010, bệnh tình của Tĩnh Hiệp bất ngờ xấu đi. Tối 9/1, nhân lúc vợ còn tỉnh táo, Học Quân nói với vợ: “Mình nhất định phải kiên trì, con trai hiện nay đang bận chuẩn bị đi du học, chỉ cần gia đình người yêu nó đồng ý, tết này sẽ về thăm chúng ta!” Anh lấy hết can đảm hỏi vợ: “Bao năm nay sống với tôi, mình có gì ân hận không?” Người vợ rơi lệ đáp: “Tôi chưa bao giờ hối hận vì đã lấy mình.”
Sau khi nhập viện, bệnh tình của chị càng lúc càng nguy kịch, nhưng tinh thần vẫn rất lạc quan. Có một vài bác sĩ và bệnh nhân cùng phòng không biết chuyện, buông lời trách móc: “Mẹ ốm nặng như vậy mà không về thăm lấy một lần, nuôi đứa con như vậy thật phí công!” Chị vội vã giải thích: “Cháu nó bận lắm, sắp phải ra nước ngoài, trách cháu thế nào được!”
Những ngày cuối cùng, chị lúc tỉnh lúc mê, nhưng lúc nào cũng trào nước mắt.
Câu chuyện kết thúc vào ngày 19 tháng 1 vừa qua, khi người vợ trút hơi thở cuối cùng, mang theo những lời nói dối rất đẹp về bên kia thế giới. Hơn 11 giờ đêm, Nguyên Học Quân lặng người nhìn máy điện tâm đồ của vợ báo một đường thẳng. Anh ôm lấy vợ, lẩm nhẩm một mình: “Hai người đều đi cả rồi, chỉ còn lại mình tôi…”
“Mong hai mẹ con hiểu được nỗi khổ tâm của tôi”
Nguyên Học Quân bên mộ vợ con
Người vợ qua đời, Nguyên Học Quân nghĩ đến việc đưa tro cốt của con về đất. Sau khi con mất, để vợ khỏi phát hiện, anh đã mang tro cốt gửi ở nhà tang lễ, giờ đây, anh mua hai miếng đất cạnh nhau trong khu nghĩa trang trên núi Cửu Phong, đưa con về chôn cạnh vợ.
Hôm làm lễ 3 ngày cho vợ, anh mặc một bộ vest mới, thắt cà vạt cẩn thận. Từ khi con trai mất, đây là lần đầu anh ăn mặc cầu kì như vậy. Anh nói, hai mẹ con đã được đoàn tụ, anh không muốn hai người nhìn thấy vẻ buồn đau yếu đuối của mình.
Anh dùng bàn tay đeo găng trắng tinh, lau khắp mặt bia, đến khi sáng bóng không còn hạt bụi, bày các thứ quả, rồi lặng lẽ tung những cánh hoa cúc vàng và trắng. “Tĩnh Hiệp, Nguyên Dã, mong hai mẹ con hiểu cho nỗi khổ tâm của tôi. Suốt 3 năm nay, nhớ con, chăm vợ, lòng tôi không ngày nào không đau như dao cứa…” Nói đến đây, anh nghẹn giọng, không cất lời được nữa.
Giữ bí mật, cần bao nhiêu dũng khí và hi sinh?
Những người quen của Nguyên Học Quân kể lại, sau khi con mất, anh dồn hết tâm lực vào việc chăm lo cho vợ. Thấy việc hóa trị đau đớn, anh nhờ bạn bè tìm mua loại thuốc bắc đặc hiệu ở Thẩm Dương, mỗi ngày sắc thuốc, nấu cao, dán cho vợ, rồi xoa bóp, giúp vợ tắm rửa, giặt giũ, mua đồ, nấu ăn, những công việc trước kia chưa từng làm, đến nay một tay anh lo liệu.
3 năm nay, Học Quân không dám nghỉ ngơi, bởi lẽ chỉ cần anh ngơi tay ngừng trí, nỗi đau sẽ trở lại và quật ngã anh. Những lúc sức khỏe vợ khá lên, anh lại lao vào công việc để tạm quên hình ảnh người con đã chết. Tất cả những việc anh làm đều vì vợ con, nén tất cả nỗi đau trong lòng, một mình chịu đựng. Nhưng dù giữ kín đến đâu, việc này cũng truyền đi trong bạn bè, họ hàng. Nhiều người nói, anh quá tàn nhẫn. Một lần, người bạn của Tĩnh Hiệp - biết chuyện của Nguyên Dã - đến thăm, hai người ngồi trong phòng khách nói chuyện. Tĩnh Hiệp vui vẻ khoe với bạn con trai kiếm được công việc tốt, sắp ra nước ngoài, không để ý thấy người bạn quay mặt đi giả vờ xem tivi, kì thực hai mắt đã ướt nhòe. Từ đó, người bạn không dám đến chơi nữa, chỉ gọi điện hỏi thăm, sợ có lúc sơ ý không giữ được…
Lần khác, vào năm ngoái, Tĩnh Hiệp nhận được một tin nhắn: “Mọi người đều biết con trai chị chết lâu rồi, sao cứ phải nói dối một mình chị.” Có lẽ do quá hoảng sợ, chị đã lỡ tay xóa mất tin nhắn. Học Đông phải giải thích nhiều lần, tìm đủ mọi lí lẽ, cuối cùng mới lấp liếm được chuyện này. Đến nay, anh vẫn không biết ai là người đã gửi tin nhắn đó.
Sau khi chị Tĩnh Hiệp mất, bạn bè đều an ủi, khuyên anh không nên tự trách mình, mà kiên cường sống tiếp quãng đời còn lại.
Tình yêu và lời hứa...
“Tình yêu và lời hứa, giống như nhẫn cưới, anh phải giữ suốt đời, chờ hạnh phúc đơm hoa kết trái…”
Nguyên Học Quân nói, sau khi vợ mất, trái tim anh trống rỗng. Năm 1980, anh và chị Hiệp kết hôn, trải qua 30 năm gian khó cùng nhau, giờ ngoảnh lại như một giấc mơ. Trong căn nhà trống trải giờ đây chỉ còn lại người đàn ông cô đơn tuổi đã về già, giờ đây có lúc chỉ thèm nghe một tiếng thở gấp của vợ trong cơn bệnh, cũng là một mong ước xa xỉ…
“Kết hôn 27 năm trời, tôi chưa từng có nửa lời nói dối vợ, tôi cũng không thể ngờ bản thân mình cuối đời lại thành kẻ lừa dối nhất trên đời, thật tàn nhẫn, thật vô tình, suốt 3 năm. 3 năm, dài quá, đau đớn quá… Nhưng tôi không hối hận. Trên đời này, còn gì lớn hơn là sự sống? Làm tất cả những điều đó, là vì tình yêu với vợ, vì lời hứa suốt đời với cô ấy. Những ngày vợ bệnh, tôi vẫn hi vọng có một ngày kì tích xảy ra, cô ấy có thể khỏi bệnh, có đủ sức mạnh để chịu đựng nỗi đau mất con, lúc ấy tôi sẽ nói cho cô ấy biết sự thật, cùng cô ấy vượt qua nỗi đau…”
Nhưng giờ đây, chỉ còn là những hoài niệm đau buồn!
Tôi không biết điều người chồng ấy đã làm thực sự là đúng hay không, nhưng là một người đàn ông, tôi thực sự cảm phục và thầm chúc cho ông vượt qua nỗi đau, chúc ông có một tuổi già bình an, hạnh phúc.