Wednesday, June 27, 2012

CUỘC ĐỜI NGẮN NGỦI CỦA PHU NHÂN NAM TƯỚC BỈ (LE BARON EDOUARD PIRMEZ )


Một đời người, nói chính xác hơn cuộc đời của ai đó, nếu ghi lại chắc chắn rằng không chỉ vài dòng, mà cả một tiểu thuyết. Bàn tay năm ngón dài ngắn khác nhau, huống chi là mỗi con người, số phận đẩy đưa, mai rủi khác nhau, có người sinh ra cùng giờ, cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, nhưng khác nhau địa điểm và cha mẹ thì cũng khác nhau số phận, hẩm hiu hay vinh quang, định đoạt bởi mai mắn đến với mình hay gọi là sinh ra dưới ngôi sao mai mắn.

Một ngày, đám cưới của cô gái Triều Tiên, là con nuôi trong gia đình Bỉ và chồng cô là người Bỉ, chúng tôi nhóm khoảng bốn nữ, hai nam là người trong nhóm tổ chức và phục vụ buổi tiệc ấy. Trong nhóm có chị chồng tôi, người phụ trách phần ăn uống, chị nói với chúng tôi ‘hôm nay có bà Bá tước đến’, trong đầu tôi cứ nghĩ Bá tước là người Bỉ và chắc chắn đẹp lắm. Chưa đến giờ tiệc, khi một chiếc xe chạy đến, và đậu trong sân của lâu đài nơi diễn ra lễ cưới, tôi thấy có hai người phụ nữ bước xuống xe, một Bỉ một Việt Nam, tôi cứ nhìn trầm trầm vào cô người Bỉ, tuổi khá lớn và không được đẹp ăn mặc bình thường. Đó là ngày đầu tiên được biết chị, khi chị Việt Nam tiến gần chúng tôi, chị chồng tôi chào và cười nói vui vẻ, tay bắt mặt mừng vì chị ít tiếp xúc với bạn bè sau khi lập gia đình. Thật ra, người phụ nữ Việt Nam kia mới là chính hiệu Nam tước, người còn lại là em chồng chị, nhưng nơi đây ai cũng gọi chị là bà Bá Tước, chẳng hiểu vì sao lại có cái tên gọi này, theo cấp bậc, Bá Tước(comte) thì cao hơn Nam Tước (baron), Nam Tước là tước thấp nhất trong năm tước của chế độ phong kiến Châu Âu, theo cấp bậc từ thấp đến cao: Nam tước, Tử tước, Bá tước, Hầu tước, Công tước.

Sinh trưởng ngày 16 tháng 6, 1947, Sài gòn, cư ngụ tại quận nhất, một cô gái trẻ tốt nghiệp trường Đà Lạt, làm việc tại Sài Gòn. Sau tiếp thu là cô giáo trường Trung học ở Sài Gòn, rồi cũng ra đi, tỵ nạn Cộng Sản do hoàn cảnh là con sỹ quan hải quân chế độ cũ,  rồi số phận đưa chị đến Bỉ, một Vương Quốc Châu Âu.



Được một ông cha Việt, biết rõ gia đình chị, giới thiệu chị và chị gái cùng làm việc trong một tòa lâu đài Acoz, Charleroi của Nam tước Edouard Pirmez một trong bốn chủ sở hữu lâu đài Acoz của dòng họ Pirmez. Nam tước lớn hơn mình 26 tuổi, rồi chăm sóc lâu đài như ngôi nhà của mình, làm việc chăm chỉ siêng năng, một ngày được Nam tước lưu ý để mắt đến chị, tình yêu đến và kết hôn năm 1980, mặc dù đây không phải là điều dễ dàng khi một Nam tước kết hôn với người nước ngoài, sau đó họ có hai con, một gái và một trai Elizabeth (1982) và Benjamin Pirmez (1985). Năm 1999, Nam tước ra đi nhẹ nhàng trong một đêm rất đặc biệt không bệnh tật, chồng chị nói với chị rằng ‘ em à, hôm nay mình ngủ sớm và hai người nắm tay nhau cùng lên phòng ngủ’ sáng ra thức giấc chồng chị ra đi thanh thản, để lại tất cả tài sản và một phần sở hữu tòa lâu đài, chị buồn vì sự trống vắng của người chồng hết mực thương yêu chị, rồi chị dời nhà sang một villa nhỏ hơn tại Villers Poterie, Charleroi sống cùng hai con, với sự chăm sóc của Hoàng tộc, sự thiếu thốn là không xảy ra với cuộc đời mình hay còn gọi là quá giàu có về vật chất, thế nhưng sống gió do cuộc đời đưa đến là không nhỏ đối với chị, qua những thăng trầm trong cuộc sống với những tai tiếng mà chị phải nhận lấy, thừa hưởng cuộc sống khác những thường dân, sống trong gia đình Hoàng tộc không phải đơn giản, sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài là cấm kỵ, học hỏi nhiều điều khắt khe theo phong tục ngoại lai, sự khác biệt về ngôn ngữ chắc chắn không đơn giản, nhưng do sự chăm sóc quan tâm của chồng, chị đã vượt qua, và là người Việt Nam đầu tiên trong thế giới Hoàng tộc Châu Âu.

Rồi một ngày cuối năm 2009, chị ra đi để lại sự thương tiếc cho gia đình, bạn bè và hai con trẻ cần tình thương của mẹ, vì cha chúng đã ra đi khi chúng còn quá ngây thơ, do cơn bệnh ung thư quái ác đột ngột đến với chị  khi cuộc đời còn quá trẻ và cuộc sống Hoàng Tộc của một người Việt tại Châu Âu cũng không còn tiếp diễn, vì hai con chị không thích tiếp xúc với người Việt do ngôn ngữ và tập quán mà chúng tiếp xúc từ thuở bé. Những ngày cuối đời, chị được trở về Sài Gòn, nơi chôn nhau cắt rốn với con gái của chị, tôi nghĩ chị cũng mãn nguyện vì đã được nhìn lại mảnh đất quê hương mặc dù trong thời gian ngắn ngủi, chị rất vui và muốn trở về Việt Nam lần nữa vào năm tới để sống vài tháng ở đó cùng bạn bè, thề rồi giấc mơ kia chưa thành hiện thực. Mọi người, cả những bạn bè ở khắp nơi không hề hay biết sự ra đi đột ngột của chị, chị nằm trong lòng đất nhưng linh hồn chị vẫn còn đó với con mình và với người thân.

Như cuộc đời của công nương Diana, đã vượt qua lễ giáo, hòa mình vào thế giới bên ngoài làm từ thiện cho trẻ em và người nghèo, đến khi ra đi thì có biết bao sự thương tiếc và với cái chết đột ngột và đầy bí ẩn. Baron Lambert, nhà tài chính Bỉ, khi sống Ông cũng đã làm được phim 47 phút hành trình đến Congo bằng xe lửa, thuyền và xe hơi, từ Morocco tới kênh đào Suez qua Dakar, Banana, Boma, Matadi, Leopoldville, Elisabethville rừng rú và chưa được khám phá. Sau khi Ông mất, Bỉ lấy tên ông thành viện y tế tại Etterbbek, Bruxelles (Baron Lambert clinique).  

Cuộc sống là ngắn ngủi, nếu chúng ta làm việc có ích cho xã hội thì tiếng tăm sẽ lưu truyền, dù mình chỉ là một thường dân, còn ở ngai vàng mà vô ích thì sau khi mình ra đi thì mọi thứ cũng tiêu tan, người đời chẳng màng đến, nếu câu chuyện không được viết ra, chắc chắn người Việt của chúng ta không biết rằng có một cô gái Việt duy nhất trên thế giới đã từng là phu nhân Nam tước Bỉ, câu chuyện rất thực nhưng cũng rất buồn vì chúng ta chưa lấy làm hãnh diện cho người Việt tại hải ngoại với người nước ngoài rằng một phu nhân Nam tước Bỉ là người Việt Nam .

Snowynguyen (Trích lời kể đương sự lúc sinh thời)

Tham khảo